Năm 2013, nước ta đã chi gần 12,4 tỷ USD để nhập khẩu vật tư nông nghiệp các loại. Trong số đó, một phần lớn được đầu tư để mua sắm các loại máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất.
Năm 2013, nước ta đã chi gần 12,4 tỷ USD để nhập khẩu vật tư nông nghiệp các loại. Trong số đó, một phần lớn được đầu tư để mua sắm các loại máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất.
Còn theo một báo cáo mới đây của Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, các đơn vị chế tạo cơ khí như Công ty CP cơ khí Long An, Công ty CP thiết bị phụ tùng cơ điện (Hà Nội), Công ty CP xây lắp cơ khí và lương thực thực phẩm (Long An)... đều có lợi nhuận từ 9 đến 55 tỷ đồng/năm. Nhưng các doanh nghiệp (DN) này chỉ dành từ ba đến 44% lợi nhuận để đầu tư cho sản phẩm mới. Chính sự đầu tư manh mún này đã khiến cho ngành cơ khí nông nghiệp bị lép vế ngay trên sân nhà và chỉ chiếm 15 đến 20% thị phần (gồm cả chế tạo và lắp ráp), còn lại là máy nhập khẩu từ Trung Quốc (60%), Nhật Bản, Hàn Quốc (từ 20 đến 30%).
(Anh minh họa)
Sự mất cân đối trên thị trường máy nông nghiệp hiện nay không chỉ cho thấy sự lãng phí về nguồn lực công, mà còn cảnh báo về sự yếu kém, thậm chí là một tương lai không mấy sáng sủa của ngành cơ khí nông nghiệp, nếu như không có sự thay đổi quyết liệt trong cách thức quản lý, phát triển thị trường, không có sự đầu tư mang tính hệ thống và đồng bộ.
Nhà nước ta luôn quan tâm và ưu đãi hoạt động phát triển cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp; có cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Tuy nhiên, với mức lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp cơ khí là 14,4%/năm như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư, mở rộng sản xuất. Chưa kể, những quy định bắt buộc từ phía ngân hàng là chỉ cho vay khi người dân mua thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, trong đó phải có 60% tỷ lệ nội địa hóa, đã khiến cho thị trường máy nông nghiệp trong nước không thể phát triển.
Giải pháp trước mắt và lâu dài để ngành cơ khí nông nghiệp giữ thế chủ động ngay trên "sân nhà", trước hết phải quyết liệt cổ phần hóa (CPH) các DN nhà nước. Chỉ khi nào thực hiện triệt để công tác CPH, chúng ta mới có thể tăng tính chủ động của từng cá nhân trong DN, góp phần phá tan "sức ỳ" cố hữu trong một số DN nhà nước ở lĩnh vực cơ khí chế tạo. Bên ọanh đó, cần tạo điều kiện thu xếp đủ vốn vay từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển, hạ lãi suất cho vay đối với các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được phê duyệt, phù hợp với thực tiễn yêu cầu sản xuất trong nước. Ðồng thời, bỏ quy định 60% tỷ lệ nội địa hóa đối với các hạng mục cho người dân vay tiền mua máy móc phục vụ sản xuất. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước cho công tác đào tạo nhân lực kỹ thuật, liên kết hợp tác công - tư, hợp tác với các doanh nghiệp FDI... để tìm kiếm nguồn vốn, công nghệ phù hợp, từ đó mở rộng thị trường trong nước, thậm chí trong khu vực, nhằm từng bước nâng cao thương hiệu Việt trên thị trường máy nông nghiệp hiện nay.