Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp cơ khí nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng cơ hội đang vuột khỏi tầm tay.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp cơ khí nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng cơ hội đang vuột khỏi tầm tay.
Trong suốt 20 năm qua, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn dừng lại ở khâu lắp ráp. Nguyên nhân ngoài các chính sách phát triển chưa đúng hướng, còn do ngành công nghiệp phụ trợ yếu, nhất là cơ khí vẫn giậm chân tại chỗ.
Cơ hội lớn
Theo ông Đỗ Phước Tống - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP HCM, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh - cơ khí là một trong những ngành công nghiệp ưu tiên nhưng đến nay, các chính sách của nhà nước vẫn chưa có tác dụng lớn để giúp ngành phát triển tốt. Trong khi các ngành sản xuất khác sợ hàng nhập lậu trốn thuế, riêng ngành cơ khí lại sợ hàng nhập…chính ngạch.
Gần đây, làn sóng các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đem lại cơ hội lớn cho ngành. Sự đầu tư của DN Nhật Bản và một số nước khác tại Việt Nam khiến nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tăng lên, nhu cầu mua linh kiện, phụ tùng từ một số công ty ở Mỹ, Canada, châu Âu đang giúp nhu cầu thị trường của ngành cơ khí khá tốt. Nhưng DN trong nước vốn èo uột, lại yếu đi nhiều trong mấy năm suy thoái nên chưa tận dụng được cơ hội, khó đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ngay một số ít DN có năng lực đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ chính xác cao có thể tận dụng cơ hội này để phát triển nhưng vẫn chịu nhiều áp lực cạnh tranh với công ty nước ngoài tại Việt Nam có ưu thế về vốn, công nghệ và thị trường quen thuộc” - ông Tống nói.
Có thể tạo thị trường cho doanh nghiệp nội
Thuế nhập khẩu nguyên chiếc ô tô, xe máy cao hơn nhiều so với thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng. Khi đó, sản xuất trong nước sẽ có lợi thế hơn nhưng vẫn không phát triển được như mong muốn, vì chính sách chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư chế tạo phụ tùng - công nghiệp phụ trợ cho chế tạo ô tô. “Thuế nhập khẩu linh kiện dù có nhưng nhập khẩu linh kiện vẫn có lợi hơn là sản xuất trong nước nên các DN sản xuất ô tô vẫn ưa chuộng nhập khẩu, khiến ngành cơ khí trong nước không lớn lên được” - đại diện một DN nói.
Lấy dẫn chứng từ công ty mình, ông Đỗ Phước Tống cho biết, cơ khí Duy Khanh đã hoạt động 25 năm nay, có chỗ đứng trong ngành cơ khí nội. Nhiều DN FDI mời công ty hợp tác cung cấp các sản phẩm, linh kiện đầu vào cho sản xuất nhưng quy mô sau chừng đó năm vẫn là nhỏ. “Các tập đoàn đa quốc gia vào đầu tư tại Việt Nam thường kéo theo các DN nhỏ và vừa cung cấp thiết bị, nguyên phụ liệu, làm công nghiệp hỗ trợ cho họ nên để cạnh tranh được với các đơn vị này cũng là bài toàn khó cho DN Việt” - ông Tống nhận xét. Ngoài ra, nhu cầu của các DN FDI không đủ nhiều, không liên tục, khiến việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất của DN nội gặp nhiều rủi ro, không dám đầu tư thiết bị mới.
Tại TP HCM, lãnh đạo TP cũng đã có chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi cho các DN cơ khí nhưng để tận dụng được nguồn vốn này rất khó, vì thị phần chủ yếu dành cho hàng nhập với thuế suất 0%, còn làm công nghiệp phụ trợ chưa dám đầu tư nhiều khi đầu ra sản phẩm còn khó. Các DN kiến nghị nhà nước cần có chính sách hợp lý, tạo cơ hội cho ngành cơ khí trong nước phát triển, lúc đó DN mới có khả năng đầu tư đáp ứng nhu cầu của các DN FDI. Nhà nước có thể tạo ra thị trường cho DN nội từ các gói đầu tư công như đường sắt, tàu điện ngầm… thay vì ngân sách đầu tư dành hết cho mua sắm thiết bị nước ngoài.